Chủ Nhật, 26 tháng 10, 2014

Tầm quan trọng của phụng vụ


Tầm quan trọng của phụng vụ
 
nhân đọc bài « Góp ý về nghi thức thánh lễ, bản dịch 2006 »  của cha F.M. Trần Văn Bảo
 
 
Trần Văn Toàn

 
                                                                                                                
 
                                                                            Lex orandi lex credendi
 
         Chừng hai mươi năm trước đây, nhân dịp cha Nguyễn Huy Lịch từ Việt Nam qua Paris, tôi có đi thăm cha và hỏi tin tức riêng về các anh chị em trong nhóm Sống Đạo, đồng thời cũng hỏi chung chung về tình hình giáo hội. Cha cho biết là có một số giáo sư « mất dạy » ở các đại chủng viện đã làm thành một nhóm, và đang tiến hành việc phiên dịch Các giờ kinh phụng vụ. Như ai nấy đều biết, những giáo sư này có nhiều kiến thức chuyên môn, hợp tác thật chặt chẽ với nhau trong tinh thần làm việc chung. Sau khi dịch kinh phụng vụ, các vị đó đã bắt tay vào việc phiên dịch toàn bộ Thánh Kinh, và đã tặng được cho giáo hội Việt Nam một bản dịch Thánh Kinh mới.

         Lại trước đây hơn một năm, nhân dịp đi Zurich (Thụy-sĩ) mấy ngày, tôi có đi viếng một ngôi nhà thờ của anh em Tin lành đặc biệt Thụy-sĩ, thuộc phái Zwingli, để xem triển lãm các bản dịch Thánh Kinh. Khi trông vào bản dịch tiếng Việt, bìa xanh mầu da trời, mới in tại Thành phố Hồ Chí Minh, tôi thấy lòng mình dâng lên một niềm hân hoan, nhất là vì thấy trong sổ các dịch giả có tên mấy người bạn, và tên các vị đã đón tiếp tôi và dùng bữa cơm thân mật tại trung tâm ở TP HCM, đường Phạm Ngọc Thạch, số 58/1, và đã tặng cho tôi công trình dịch thuật đã xuất bản. Không phải là tôi hoàn toàn đồng ý về mọi chi tiết – vì làm gì có bản dịch nào hoàn hảo tuyệt đỉnh,. Nhưng tôi có ý nói lạc đi một chút để nói lên niềm cảm phục của tôi đối với công trình của các vị đó. Sau nhiều năm làm việc chung, các vị đã thu được khá nhiều kinh nghiệm trong việc dịch thuật các bản văn cốt yếu của giáo hội.

Bây giờ ta trở lại kinh phụng vụ.
 
Khi nghe cha Lịch nói, tôi nhận định ngay đó là một công việc vô cùng quan trọng, mà có lẽ  ít ai trong giáo hội Việt Nam để ý tới, nếu không có cơ hội đặc biệt như thế.
         Quan trọng vì  ít là ba lý do.
Một là vì trong trong truyền thống giáo hội đã có khẩu hiệu chí lý mà tôi trưng dẫn trước đây : Lex orandi lex credendi, dịch nôm na cho giáo dân dễ hiểu là : ta cầu nguyện như thế nào thì ta cũng tin như thế ấy, hay là : lời cầu nguyện cũng là lời tuyên xưng đức tin. Chính vì thế mà khi ta suy luận về tín lý, thì ngoài Thánh Kinh, các thánh giáo phụ và các nhà thần học ra, ta không thể bỏ qua các kinh nguyện trong phụng vụ[1],kể cả những bài thánh ca nữa. 

Lý do thứ hai là : như ta biết, giáo hội tại nước Nga đã bị khốn đốn nhiều dưới chế độ Xô-viết, mất mát đi rất nhiều nhân mạng, nhiều cơ sở truyền giáo, chỉ còn giữ được một truyền thống phụng vụ rất phong phú, tuy vẫn bị nhiều hạn chế. Nếu cho đến nay còn giữ được đức tin thì phần lớn là nhờ phụng vụ.

Lý do thứ ba là chính đức đương kim giáo tông Biển Đức XVI, khi còn làm hồng y, đã cho công bố một cuốn sách về phụng vụ[2], và mới đây, ngày 25 tháng 12 năm 2005, trong thông điệp đầu tiên, Deus caritas est (số 32), đã nhấn mạnh vào ba điểm cốt yếu trong sống của tín hữu, mà Người cho là quan trọng như nhau : một là nghe và suy gẫm lời Chúa, hai là năng chịu các phép bí tích (phụng vụ), ba là thực hành đức bác ái.
 
  Vì phụng vụ hay phụng tự quan trọng như thế cho nên ngay khi mới bắt đầu truyền giáo ở Á châu đã có tranh luận rất gắt gao về lễ nghi phụng tự. Ngày nay chúng ta thường phàn nàn là sau vụ tranh luận đó thì giáo tông tòa đã quyết định phải dùng tiếng la-tinh khi cử hành thánh lễ. Từ đó gây ra nhiều cái thiệt hại : 1) vào thế kỷ XVII, các linh mục người Trung hoa cũng như người Việt Nam quen đọc chữ Hán hay chữ Nôm, sau khi chịu chức đã phải bỏ ra mấy năm để tập đánh vần, rồi mới được phép làm lễ bằng tiếng la-tinh, thế mà đọc vẫn còn ấp a ấp úng, thành ra lại thêm tự ti mặc cảm đối với các vị thừa sai ngoại quốc ; 2) giáo dân nghe cử hành thánh lễ bằng ngoại ngữ, thì như vịt nghe sấm, không hiểu gì ; không tham dự được vào phụng vụ, thì họ đành tham dự vào lễ nghi bên ngoài phụng vụ, theo lối á-phụng-vụ (paraliturgie)[3] có tính cách bình dân vậy : cho nên trong thánh lễ là phụng vụ chính thức thì họ chỉ biết đọc kinh, không những kinh ngắm lễ, mà còn lần hạt và đọc hết kinh này đến kinh khác ; và như thế vẫn còn là may : tôi không dám nói dại, nhưng biết đâu trong thâm tâm, lại không có người nghĩ rằng cử hành lễ nghi bằng tiếng la-tinh thì cũng như bên nhà Phật quen đọc thần chú của Mật-tông bằng tiếng Aán độ hay tiếng Tây tạng phiên âm ra chữ Hán vậy. Cũng may phúc là từ sau công đồng Vaticanô tiếng nói của giáo dân đã được dùng trong nghi lễ. Phàn nàn vậy, nhưng tình trạng đó không riêng gì ở các xứ truyền giáo, mà chính ở quê hương các vị thừa sai, thì cho đến công đồng nói trên, lễ nghi vẫn phải cử hành bằng tiếng la-tinh : làm khác đi thì sợ “không thành phép” !

         Đã đành một phần là tại khuynh hướng của tông tòa Rôma muốn thống nhất giáo hội bằng cách đòi phải giữ đạo nhất loạt như nhau. Ta biết là xưa kia các giáo phận đều có sách lễ riêng, nhưng dần dần giáo tông tòa muốn giữ được thống nhất trong giáo hội, truyền chỉ dùng sách lễ và sách các phép của giáo phận Rôma mà thôi, chỉ có một thiểu số là còn dùng lai rai lễ nghi của dòng Đa-minh, của hai giáo phận Lyon và Milano, nhưng chắc bây giờ cũng thôi rồi.

         Nhưng đó không phải là lý do chính. Thực vậy đức giáo tông Alexander VII (1655-1667) đã đòi các nhà truyền giáo ở Á châu phải biết hộïi nhập văn hóa, và trước đó thì đứùc giáo tông Phao-lô V (1605-1621) đã cho phép dịch Thánh Kinh ra chữ Hán, và cho các linh mục Trung quốc được cử hành thánh lễ và đọc kinh các giờ phụng vụ bằng tiếng Tàu.

Có một điều là đó phải là chữ Hán cổ điển của sách vở nhà Nho, chứ không phải là tiếng Tàu thông dụng trong dân gian. Đã thế, khi đem ra thi hành thì các vị thừa sai lúc đó thấy là khó quá, vì các từ ngữ chuyên môn trong đạo thì khó mà tìm ra từ ngữ nào trong chữ Hán có thể dịch sát được. Như thế, nếu công thức lời cầu nguyện là công thức lời tuyên xưng đức tin, mà lại dịch ra không sát ý, thì đức tin rất dễ bị sai lạc đi, và rồi mất đạo như chơi.

Chính vì ý thức được trách nhiệm lớn lao như thế, lại vì sợ làm sai lạc đạo giáo, cho nên giáo tông tòa đã quá thận trọng, đòi phải dùng công thức bằng tiếng la-tinh trong phụng vụ cho nó chắc. Về điểm này thiết tưởng không thể trách giáo tông tòa, vì nếu để cho người địa phương làm ăn hấp tấp, tự do sáng tác, ăn nói thế nào cũng được, thì rất dám đi tới một thứ đạo hổ lốn, lệch lạc.

Tuy vậy cũng phải công nhận là khi nói về Thiên Chúa vô biên thì từ ngữ của chúng ta dùng đều là tương đối và bất cập. Cho nên khi mà giáo dân không còn hiểu tiếng la-tinh nữa, thì đáng lẽ phải theo nguyên tắc hội nhập văn hóa mà dịch ra ngôn ngữ bình dân, như giáo hội Chính thống và các giáo hội Tin lành  quen làm. 
 
Chính vì lời cầu nguyện có liên quan mật thiết với lời tuyên xưng đức tin, cho nên bao giờ cũng phải đi đôi ăn khít với nhau. Nhưng đó lại không phải là một việc dễ, vì một bên thì lời tuyên xưng đức tin nặng về phần tri thức và thường được các nhà thần học bàn luận và cân nhắc kỹ càng để nói lên cho có lý sự, có mạch lạc, để làm theo lời thánh Phê-rô đã dạy : “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hi vọng của anh em” (1 Pr 3, 15). Còn bên kia là phụng vụ, là hành động, nặng về phần tình cảm bộc phát, nói lên tâm tình và đồng thời nói lên lập trường của mình đối với các hồng ân của Thiên Chúa. Hai bên phải đi đôi với nhau : thiếu hành động thì chỉ có tri thức suông, thiếu tri thức thì hành động có thể mất ý nghĩa cuối cùng.

Giáo hội vẫn cố gắng làm cho đức tin chuyển thành hành động dấn thân, và làm cho hành động chiều theo ánh sáng của đức tin. Cái khó khăn là làm sao dung hòa tri thức của thiểu số với tâm tình bộc phát của đa số tín hữu, dung hòa phụng vụ chính thức của giáo hội với lòng sùng đạo á-phụng-vụ của quần chúng, gồm những lời ca tụng có khi nói quá lời theo hứng khởi chốc lát.
 
Đạo ta không chủ trương đa thần, không chủ trương phải khấn vái các thần, hết vị nọ rồi đến vị kia, tùy hoàn cảnh, tùy nhu cầu chốc lát. Tuy ta cũng thờ một Chúa như trong đạo Do-thái hay là như đạo Hồi-hồi, nhưng có điểm dị biệt quan trong là ta thờ một Chúa ba Ngôi. Vì thế lời cầu nguyện của ta không đơn sơ như của những người thờ một Chúa hay là người thờ đủ mọi thứ thần.  Lời cầu nguyện của chúng ta có một cơ cấu đặc biệt, vì ta vừa thờ một Chúa, nhưng liên quan của ta với mỗi Ngôi thì mỗi khác [4]. Tuy vậy khi đi vào liên quan với một Ngôi thì cũng có liên quan khác với hai Ngôi khác.

Sau đây xin đan cử ra một vài ví dụ.

Trong kinh nguyện chính thức của giáo hội ta thấy là khi cầu nguyện thì ta dâng lời thưa thẳng với Chúa Cha là “Cha”, nhờ Chúa Giê-su làm môi giới (vì Người là Ngôi thứ hai đã xuống thế làm người và ở cùng chúng ta) , trong Thần Khí là Chúa Thánh Thần. Chúa Giê-su sống lại đã ban cho ta Thần Khí của Người, làm cho ta có thể gọi Chúa Cha là “Cha”, như thánh Phao-lô viết trong thư gửi tín hữu Rô-ma (Rm 8, 14-17) vì thế ta xin Người ban Thánh Thần cho ta.  Lý do là vì “không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Và cũng chính Đức Giê-su Cứu Thế sẽ sai Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ (Ga, 16, 7).

Lý thuyết thì như thế. Nhưng trong các bài hát hay là trong kinh hạt thì ta lại thấy nhiều khi người ta cầu nguyện thẳng với Chúa Thánh Thần, xin Người đến, ví dụ như trong bài thánh ca trong sách lễ Rô-maVeni Creator Spiritus, mà trước đây hơn nửa thế kỷ giáo dân ta đã hát bằng tiếng Việt là :“ Xin Chúa Ngôi Ba đoái thương viếng thăm, Soi lòng con đây u mê tối tăm, Phù giúp con cầm trí cầu xin nên, Mở miệng cao rao thánh danh Người liên. Khi bổn đạo Việt Nam bắt đầu một ván kinh thì đọc kinh Đức Chúa Thánh Thần : “ (...) Chúng tôi xin ĐCTT xuống”, nhưng về cuối kinh lại trở về đúng cơ cấu kinh nguyện chính thức của giáo hội : “Chúng tôi cầu cùng ĐCT (...) thì rầy chúng tôi cũng xin ĐCT cho ĐCTT laị xuống (...), vì công nghiệp vô cùng ĐC Giê-su Ki-ri-xi-tô là Chúa chúng tôi. Amen”. Dù sao, một khi ta được ChúaThánh Thần, thì Thánh Thần là do Chúa Giê-su Cứu Thế sai xuống với ta, và tất nhiên ta được gọi Đức ChúaCha là Cha

Vì ta tin và thờ một Chúa ba Ngôi cho nên trong phụng vụ lời cầu nguyện của ta cũng phải theo một cơ cấu như đức tin. Cũng thế, đức tin về Chúa Giê-su Cứu Thế, Đấng  làm môi giới duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người ta, đức tin ấy cũng phải định hình cho đời sống tôn giáo của ta.

Nhưng trong thực hành thì  người giáo dân – kể cả hàng giáo sĩ nữa – nhiều khi bỏ quên vị trí môi giới của Người, đặt Người về hẳn phía Thiên Chúa cao sang, rất xa loài người tội lỗi, rất đáng sợ nữa, vì lẽ Người đã “sống lại, lên trời, ngự bên hữu ĐCC phép tắc vô cùng, ngày sau bời trời lại xuống phán xét (...)”. Người ta quên rằng Người vẫn làm môi giới : nếu ta không liên lạc trực tiếp với thân thể của Người như các tông đồ, thì Người đã để lại các phép bí tích, nhất là phép Thánh Thể, để “ở lại với loài người ta cho đến hết đời”. Một khi đã đặt Chúa Cứu Thế ở vị trí không còn làm môi giới cho con người ta đến với Thiên Chúa nữa, thì những người có lòng đạo, muốn đến với Chúa, tất sẽ tìm môi giới khác, ví dụ như  Đức Bà và các thánh ở trên trời, và Đức giáo tông ở dưới đất. Vì thế sinh ra phong trào tôn sùng Đức Bà và các thánh, cũng như suy tôn đức giáo tông. Nhều khi đi quá mức của đức tin, đến nỗi có người cho rằng : De Maria nunquam satis, nghĩa là về Đức Bà thì nói thế nào cũng vẫn  là chưa đủ., mà không nghĩ đến câu “đa ngôn đa quá” [5].

Nếu trong phụng vụ hay á-phụng-vụ đôi khi có những kết quả hơi lêch lạc đối với tín lý, thì thường xuất hiện trong những lối sùng đạo bình dân, nhất là trong các bài hát, các bài thánh ca. Vì lẽ những người đặt ra bài hát thì thường không chuyên môn về giáo lý cho nên chỉ chú trọng vào âm nhạc ; còn lời ca thì vì phải lựa chọn tùy theo dòng nhạc hay là theo âm vận, cho nên giáo lý có thể trệch đi ít nhiều thì cũng cứ để vậy. Cái đó không riêng gì ở Việt Nam, mà cả ở Â châu  cũng có như thế. Chỉ tiếc là các vị hữu trách thường để mặc, không kiểm soát cho kỹ. Thành ra khi nghe những bài hát đạo, thì những ai chú trọng đến tín lý đôi khi có cái cảm giác khó chịu là : có nhạc đó, nhưng thiếu lễ, vì thiếu lễ đối với Chúa !
 
Sau khi đã nói về tầm quan trọng của phụng vụ đối với tín lý, chắc ai nấy đều đồng ý là dân Chúa và các vị coi sóc dân Chúa phải rất mực thận trọng trong việc phiên dịch các bản văn chính thức của giáo hội, và kiểm soát chặt chẽ các lối sùng đạo có tính cách đại chúng, cũng như các bài hát đạo, sao cho hơp với đức tin.

Viết đến đây thì tôi được đọc bài “Góp ý về nghi thức thánh lễ, bản dịch 2006” của cha Trần Văn Bảo (Đan viện Xi-tô Cam ranh). Tôi nhận ra đó là một lá thư tâm huyết của một người tận tâm với giáo hội, viết ra với lời lẽ khiêm tốn. Tôi đồng ý là có một vài cái khuyết điểm cần phải sửa trong bản dịch mới, cũng như trong lối làm viêïc, như cha đã nêu ra. Rất có thể là còn có những điểm khác mà người khác có thể tìm ra nữa. Vì lẽ không có bản dịch nào là hoàn hảo một cách tuyệt đối, cho nên bản dịch nào cũng có thể tu bổ cho hoàn hảo hơn, không những bản dịch năm 1992 , mà cả bản dịch mới này nữa.

Tôi rất mong các vị hữu trách trong giáo hội Việt Nam đón nhận lá thư  ngỏ của cha Bảo, trong mục đích chung là làm cho “danh Cha Cả sáng”.
 
 

[1] Đó là điều mà trước đây nửa thế kỷ tôi đã học được nơi giáo sư Antoine Chavasse, giáo sư  chuyên môn về phụng vụ, dậy tín lý trong phân khoa  thần học tại ĐHCG Lyon (sau dàó làm giáo sư tại Strasbourg).
[2]  Joseph Ratzinger, L’esprit de la liturgie, Ad Solem, 2001, 186 trang. Cũng nên thêm vào đó một văn kiện quan trọng của Thánh Bộ Phụng vụ và các phép bí tích, công bố năm 2001, về liên quan giữa phụng vụ chính thức của giáo hội và vô vàn các lối  sùng đạo bình dân thông dụng trong dân Chúa (bản Pháp văn : Directoire sur la Pi été Populaire et la Liturgie. Principes et Orientations, Ed. Téqui, 2002, 282 trang).
[3]  Xem TVT, « L’innovation bloquée, ou le bon usage de la paraliturgie dans le catholicisme vietnamien », trong sách tập thể : Gilles Routhier et Frédéric Laugrand , L’espace missionnaire . Lieu d’innovations et de rencontres interculturelles, tủ sách Mémoire d’Eglises, Karthala – Presses de l’Université Laval, 2002, trang 97-114.
[4]  Chứ nếu liên quan của ta với ba Ngôi đều như nhau, thì rất dễ chuyển thành ba Chúa.  Người giáo hữu Trung quốc dùng chữ « Vị » là Ngôi, thì  khó tránh hiểu lầm, vì « tam vị » có thể hiểu là ba đơn vị, như thể là có ba Chúa vậy !
[5]  Tôi đã viết ra mấy ý kiến này trong bài Tôn sùng Đức Bà Maria, mà cha Đỗ Xuân Quế đã đăng ở TP HCM trong Hát lên mùng Chúa, cha Phan Đình Cho đã cho đăng trong tập san Triết Đạo ở Hoa Kỳ, và giáo dân Việt nam ở Texas cũng xin đăng lại trong tập san Dấn Thân.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét